Một số tài khoản giả mạo CNN hay Fox News tung tin nguyên nhân vụ cháy là do khủng bố.
Vừa qua nước Pháp cùng thế giới phải chứng kiến Nhà thờ Đức Bà chìm trong biển lửa một cách vô vọng. Những người có đầu óc âm mưu suy diễn sự kiện thành những giả thuyết một cách vô tội vạ. Và, môi trường mạng xã hội lại tiếp tay cho những giả thuyết lan xa, chi phối sự chú ý của người dùng.
Phóng viên Jane Lytvyneko của Buzzfeed đã tổng hợp lại một số thông tin sai lệch về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà đang được lan truyền trên Internet. Trong đó, một tài khoản Twitter tự xưng là hãng thông tấn CNN đã tung tin nguyên nhân vụ cháy trên là do khủng bố.
Câu chuyện càng đi xa hơn khi Fox News “giả” tiếp tục đăng tải câu bình luận về vụ cháy, mà trang này nói rằng là của một nữ nghị sĩ Hồi Giáo, với nội dung “gieo nhân nào gặt quả đấy”.
Tuy tự nhận trong phần giới thiệu rằng mình chỉ là bản “parody” của CNN và Fox News, song những thông tin từ hai tài khoản trên rõ ràng không hề mang tính hài hước, rất dễ gây hiểu lầm vì hầu hết người dùng mạng xã hội không hề quan tâm đến việc đọc phần giới thiệu của một tài khoản. Chưa kể bộ nhận diện của hai trang này cũng không khác chút nào so với bản gốc.
Trong một giả thuyết khác, cư dân mạng đã tìm ra và chia sẻ rộng rãi thông tin về một chiếc xe đậu bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris, với bình gas và những “giấy tờ tiếng Ả Rập” ở bên trong.
Thông tin này có vẻ hợp lý nếu nó không phải đã được đăng từ… 3 năm trước. Các thuyết âm mưu hiện vẫn lan truyền với tốc độ nhanh chóng trên khắp các trang Reddit, 4chan và InfoWars, chủ yếu đặt ra giả thuyết Nhà thờ Đức Bà bị phóng hoả để trả thù hoặc khủng bố.
Không chỉ từ những nguồn tin không chính thống, mà thậm chí mạng xã hội video lớn nhất hành tinh YouTube cũng vô tình đưa ra thông tin sai lệch về sự kiện vừa rồi. Dưới phần livestreams của kênh CBS, người xem có thể thấy được hộp thông tin tự động về sự kiện khủng bố ngày 11/9 ở Hoa Kỳ, khi hai chiếc máy bay đâm thẳng vào toà tháp đôi ở New York.
Tuy hai sự kiện này là hoàn toàn khác biệt, song việc hiển thị thông tin này có thể gây nên tình trạng đánh đồng rằng sự cố ở Nhà thờ Đức Bà cũng là do các lực lượng khủng bố Hồi Giáo gây ra.
Hộp thông tin như trên được tạo ra bởi thuật toán của YouTube nhằm chống lại những thông tin sai lệch trên nền tảng này. Tuy vậy, việc YouTube xác định hình ảnh một nhà thờ đang bốc cháy và lập tức liên kết nó với khủng bố lại là điều rất đáng tiếc. “Những hộp thông tin này được kích hoạt theo thuật toán và đôi khi hệ thống nhận diện sai”, người phát ngôn của YouTube trả lời phỏng vấn: “Chúng tôi đang vô hiệu hoá tất cả những hộp thông tin liên quan đến vụ cháy này”.
Những gì công chúng biết về vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, đến hiện tại, vẫn rất giới hạn. Trong khi ngọn lửa vừa mới được dập tắt chưa đầy một ngày trước, sẽ còn rất lâu để biết chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn. Vì vậy, có thể chắc chắn rằng ở hiện tại, bất cứ cáo buộc nào về vụ cháy hoặc âm mưu khủng bố là hoàn toàn sai sự thật và chưa được xác minh.
Nhưng nếu Internet vẫn cung cấp một môi trường thuận lợi cho các thuyết âm mưu phát triển như hiện nay, những câu chuyện xấu xa và đầy tính thù địch này vẫn sẽ còn được lan truyền mạnh mẽ.
Theo news.zing.vn