Tóm tắt & Review sách Quốc Gia Khởi Nghiệp

Quốc Gia Khởi Nghiệp
Tác giả: Dan Senor và Saul Singer

Về tác giả:
Dan Senor và Saul Singer chính là hai tác giả nổi tiếng và cũng là những người đã trau chuốt từng câu chữ cho quyển sách “Quốc gia khởi nghiệp”. Họ đều là những người có những kinh nghiệm dày dặn trước khi bắt tay viết nên quyển sách “kinh điển này”.

Trước tiên, nói đến Dan Senor. Ông sinh ngày 6/11/1971 tại thành phố New York của Mỹ. Ngoài việc là một nhà báo, nhà văn thì ông còn là một nhà tư vấn chính trị có tiếng (đã từng nhận được Huân chương cho vị trí cố vấn cấp cao nước ngoài của Mỹ).
Saul Singer cũng là đồng tác giả của “Quốc gia khởi nghiệp” cùng với Dan Senor. Ông cũng sống tại New York, Mỹ và sinh năm 1961. Tuy nhiên, ông lại là một người có nguồn gốc từ Israel. Chính cơ duyên này đã gắn kết ông với câu chuyện thú vị trong quyển sách. Công việc của ông cũng là một biên tập viên báo chí. Và ông có một thời gian dài làm việc tại The Jerusalem Post.

Tóm tắt và Review:
Sách “Quốc gia khởi nghiệp” là một quyển sách đáng để đọc và chiêm nghiệm. Từ câu chuyện này, bạn nên đặt cho mình những câu hỏi về chính thực trạng hiện tại của mình. Bạn có thể áp dụng gì cho chính bản thân mình từ những điều này? Những điều đó áp dụng với thực tế thị trường hiện tại ra sao? Israel đã làm được và thành công vậy còn bạn thì sao? Nếu bạn cũng đang thắc mắc và tò mò về những gì Israel đã làm. Hãy sở hữu ngay cho mình quyển sách giá trị này.

Chương 1: “Ngoan cố”
Giới thiệu nét tính cách đặc trưng trong văn hóa Israel nói chung và trong văn hóa doanh nghiệp nói riêng: luôn nghi ngờ cái có sẵn, luôn đặt câu hỏi, tranh luận về mọi vấn đề, đó là tinh thần “chutzpah”, sự táo bạo, thách thức nhiều khi đến mức trắng trợn. Chính nét văn hóa và tinh thần này đã khiến chi nhánh Intel Israel từ một đơn vị hẻo lánh đã trở thành phao cứu sinh cho Intel và cứu sống tập đoàn. Nhóm nghiên cứu Israel đã đi ngược lại những tư duy thông thương, bền bỉ thuyết phục một ban lãnh đạo không khoang nhượng về ý tưởng của họ và tranh luận quyết liệt cho ý tưởng đó.

Chương 2: Doanh nhân trên chiến trường
Phân tích mô hình quân đội Israel nơi một sĩ quan quân đội có quyền ra quyết định lớn hơn người đồng cấp thuộc bất kì quân đội nào trên thế giới, và mô hình quân dự bị không phân biệt cấp bậc. Chính mô hình quân đội như vậy đã trở thành chất xúc tác cho sự sáng tạo của quốc gia Do Thái, phá vỡ hệ thống tôn ti trật tự, củng cố đặc tính lộn xộn và nuôi dưỡng tinh thần chutzpah.

Chương 3: Nhân vật của “Quyển sách”
Quyên sách (mô hình tương tự như Lonely Planet) đã trở thành một hình tượng để miêu tả về “tinh thần phượt toàn cầu mạnh mẽ hơn bất kì quốc gia nào”. Châm ngôn của những phượt thủ Israel: “Đi thật xa, ở thật lâu, nhìn thật kĩ”. Chính hoàn cảnh lịch sử xã hội (nhu cầu được giải tỏa sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, ý muốn tìm cách thoát khỏi thế giới Ả Rập đã tẩy chay họ, vừa bày tỏ sự thách thức đối với chủ nghĩa phân biệt) và tinh thần của “quyển sách” đã quy định tính cách thích du lịch và sẵn sàng dấn thân của người Israel.

Tinh thần này cũng đã thể hiện rất rõ nét trong kinh doanh và những doanh nhân Israel đã đi ra ngoài tìm đến những cơ hội kinh doanh ở những nền văn hoá rất khác biệt, những nền kinh tế mới nổi và các vùng lãnh thổ xa xôi. Và đặc biệt họ đi với tinh thần dân tộc mạnh mẽ, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá đất nước Israel với thế giới.

Chương 4: Harvard, Princeton và Yale (Ý chỉ các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Israel được xem như cơ sở đào tạo ngang hàng với các trường đại học nổi tiếng trên thế giới)
Vai trò của những trải nghiệm quân đội trong việc nuôi dưỡng văn hoá doanh nghiệp Israel và quy định những tính cách vượt trội của những doanh nhân Israel. Quân đội tạo ra một môi trường đầy thử thách, rủi ro, áp lực căng thẳng buộc bạn phải tự suy nghĩ, đưa ra những quyết định sống còn, tuân thủ kỉ cương, rèn luyện trí não, rèn luyện những kĩ năng mà cũng rất cần thiết trong kinh doanh. Tất cả những điều này làm thay đổi năng lực và tinh thần của mỗi cá nhân. Những người đã từng tham gia quân đội trưởng thành hơn rất nhiều, trải nghiệm sống hơn. Quân độicòn dạy bạn cách làm việc với mọi người đến từ mọi tầng lớp trong xã hội vốn rất hữu ích khi giao dịch với nhà cung cấp và khách hàng trong kinh doanh. Ngoài ra, môi trường Quân đội ở Israel có thể nuôi dướng một mối quan hệ ràng buộc hoàn toàn khác biệt. Ai cũng đều biết nhau. Điều này rất có ích trong mối quan hệ trong kinh doanh sau này.
Người Israel sau khi học xong cấp 3 đều phải vào quân đội 2-3 năm, sau đó học đại học và kết hôn. Với những trải nghiệm hữu ích trong quân đội, một người Israel trưởng thành hơn rất nhiều so với người cùng lứa tuổi ở các nước khác. Cộng với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, họ trở nên vượt trội trong tư duy và sức sáng tạo.

Chương 5: Nơi trật tự gặp hỗn loạn
Sự không đồng nhất có sức mạnh kích thích sự sáng tạo trong nền kinh tế. Trật tự cứng nhắc và hỗn loạn ngẫu nhiên gặp nhau sẽ tạo ra sự thích nghi, tinh xảo và sáng tạo ở mức độ cao.
Ở các quốc gia khác chỉ có trật tự cứng nhắc. Ở Israel, họ vừa có trật tự (thể chế chính trị và nền pháp quyền ổn định, văn hoá không phân biệt tầng lớp, nghi thức, chế độ quân dịch bình đẳng) lại vừa có sự hỗn loạn (tư duy rosh gadol cùng khả năng phán xét cực đoan, được học thuyết thử nghiệm – văn hóa Apolo – hỗ trợ). --> không ngạc nhiên khi Israel trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Chương 6: Một chính sách công nghiệp hiệu quả
Phân tích 3 giai đoạn của nền kinh tế Israel với 2 giai đoạn phát triển thần kì xen giữa một “thập kỉ mất mát). Bàn tay tác động của chính phủ thông qua các chính sách kinh tế đã khiến cho nền kinh tế Israel phát triển thần kì cũng như làm chậm sự phát triển trong “thập kỉ mất mát”. Trong giai đoạn đầu (1948 – 1970), chính phủ đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng và hình thành một cách thận trọng của các ngành công nghiệp (công nghiệp hàng không) cũng như việc áp dụng công nghệ cao trong mô hình nông trang đã khiến Israel đặt sự phát triển nhảy vọt (GDP tăng 4 lần). Tuy nhiên, chính phủ chi phối khối doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé và sơ khai, không khuyến khích tinh thần khởi nghiệp khối tư nhân. 1970-1990: thập kỉ mất mát, giai đoạnh kinh tế đình trệ và lạm phát tăng cao do chiến tranh và sự độc quyền vốn. 1990 đến nay, với sự xúc tác của chính phủ các hàng loạt chính sách cải cách kinh tế và qua quỹ đầu tư mạo hiểm Yozma, khối doanh nghiệp cá nhân và các công ty khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Chương 7: Nhập Cư
Israel là nhà của hơn 70 quốc tịch và nền văn hoá. Dân số tăng gần 9 lần trong 60 năm (860,000 người năm 1948 đến 7,1 tr người ngày nay). Chính sách nhập cư tự do của Israel cho phép tất cả những người Do Thái có thể nhập cư vào Israel và trở thành công dân Israel ngay ngày đầu bước chân vào Israel mà không cần trải qua bất kì bài kiểm tra hay rào cản nào. Đặc điểm này đã góp phần vào việc hình thành nhà nước khởi nghiệp Israel. Người nhập cư không ngại làm từ đầu, dám mạo hiểm. Một quốc gia của người nhập cư là một quốc gia của tay chơi khởi nghiệp. Chính cộng đồng người nhập cư Do Thái đã góp phần khai khẩn đất đai, chiến đấu trong cuộc chiến của Israel, thổi sinh khí vào nền kinh tế của một đất nước mới ra đời.

Chương 8: Cộng đồng Do Thái hải ngoại
Israel có thể bùng nổ công nghệ và vươn lên trở thành những trung tâm toàn cầu của sự sáng tạo, tiên phong là những người Israel đã đắm chìm trong nền văn hoá của thung lũng Silicon học hỏi. Để rồi họ quay về Israel, không những trở thành chất xúc tác cho sự phát triển công nghệ của Israel, mà còn xây dựng những hoạt động dùng người Israel, vốn tạo ra các bước đột phá quan trọng cho tập đoàn nơi họ làm việc (Michael Laor của Cisco, Dov Frohman của Intel đã thuyết phục tập đoàn xây dựng trung tâm R&D tại Israel). Ngoài ra, chính phủ Israel đã và còn có thể tận dụng những người Do Thái không thuộc quốc tịch Israel trên khắp thế giới để như cách Peres và Ben-gurion đã chiêu mộ thành công Schwimmer, một người Mỹ gốc Do Thái, người sau này đã tạo ra ngành công ngiệp hàng không Israel, giúp tạo ra một trong những cú hích dài hạn lớn nhất cho nền kinh tế Israel.

Chương 9: Phép thử của Buffet
Bất chấp Israel là vùng đất với chính trị cực kì bất ổn, đầu tư nước ngoài của Israel không ngừng tăng. Các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ và đầu tư Mỹ (Intel, Google, Warren Buffet, Microsoft) vẫn quyết định đầu tư vào Israel trong những giai đoạn mà Israel đang trải qua các cuộc chiến lớn (cuộc chiến vùng Vịnh 1991, cuộc chiên Lebanon 2006…). Quan điểm đầu tư của Buffet, một người vốn nối tiếng với thuyết e ngại rủi ro, cho trường hợp Israel có thể lí giải hiện tượng kì lạ này. Nếu các công xưởng của Israel bị đánh bom, họ sẽ xây một nhà máy khác. Nhà máy không đại diện cho giá trị của công ty. Chính tài năng của nhân viên và ban quản lí, nền tảng quốc tế của các khách hàng trung thành và thương hiệu mới tạo nên giá trị của công ty. Nên dù tên lửa có thể phá huỷ các nhà máy, thì trong mắt Buffet, chúng vẫn không đại diện cho rủi ro thảm hoạ. Câu hỏi về rủi ro thảm hoạ gần như trở nên vô nghĩa đối với giới đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách kinh doanh tại Israel.

Chương 10: Yozma
Điểm khởi đầu của ngành đầu tư mạo hiểm ở Israel. Các công ty khởi nghiệp Israel lúc đó đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và một điểm mấu chốt nữa là tuy các công ty có những sản phẩm tốt nhưng họ không có kinh nghiệm phát triển công ty và thương mại hóa sản phẩm. Với chương trình Yozma, chính phủ đã hấp dẫn được các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài và tạo nên sức bật mới cho các công ty khởi nghiệp. Kết quả là từ 1992 đến đầu 2009 đã có khoảng 240 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Israel. Yozma đã cung cấp thành phần quan trọng còn thiếu để cho phép ngành công nghệ Israel tham gia đợt bùng nổ công nghệ của những năm 1990.

Chương 11: Phản bội và cơ hội
Sự hình thành của nền công nghiệp quốc phòng Israel bắt nguồn từ sự phản bội của đồng minh Pháp thân cận vào năm 1967 ngay trước thềm cuộc chiến sáu ngày ở Israel. Sự phản bội của Pháp đã khiến Israel tin rằng họ không thể tiếp tục lệ thuộc quá nhiều và các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài. Israel dần dần đã chế tạo ra xe tăng, nghiên cứu phát triển ra những chiếc chiến đấu cơ hiện đại (trong đó có Lavi, chiếc chiến đấu cơ tốt nhất thế giới), để từ đó Israel đã gia nhập CLB của khoảng hơn 10 quốc gia phóng thành công vệ tinh vào không gian, một thành tựu không thể đặt được nếu thiếu những kiến thức công nghệ tích lũy được trong quá trình phát triển máy bay Lavi. Một kết quả đạt được nữa của sự gia tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học quân sự là Israel đã tạo ra một thế hệ kỹ sư giàu kinh nghiệm.

Chương 12: Từ đầu dạn tên lửa đến mạch nước phun
Ở Israel có một tư duy đa nhiệm, đa ngành nghề trong đó các chức danh hoàn toàn không có ý nghĩa. Có thể thực tế quân đội đã buộc người Israel phải làm việc đa nhiệm (VD: mọi máy bay đều phải thực hiện nhiều loại tác chiến khác nhau chứ không chuyên môn hóa như các nước khác). Chính cách suy nghĩ tự do đa chiều, kết hợp kiến thức nhiều ngành nghề như vậy (mash up) đã trở thành chén thánh của sự sáng tạo công nghệ. Những công ty khởi nghiệp ở Israel đã ra đời từ những ý tưởng sáng tạo kết nối kiến thức nhiều ngành nghề khác nhau như sự kết hợp giữa thiết bị y tế và công nghệ sinh học, giữa quân sự và y học… Nổi tiếng nhất phải kể đến kiện tướng mash up của Israel là Yossi Gross với 17 công ty khởi nghiệp và chìa khóa cho thành công của Yossi đó là cách tiếp cận đa ngành mà Yossi có được.

Chương 13: Thế lưỡng nan của Sheikh
Một cụm kinh tế đúng nghĩa sẽ góp phần hình thành nền kinh tế kinh doanh tăng trưởng cao. Israel là một cụm kinh tế sáng tạo cách tân đúng nghĩa, một điều rất hiếm thấy, nơi có những con người dám nghĩ dám nói dám làm, một đội ngũ kĩ sư và nhà khoa học chất lượng, nơi không phân biệt giai cấp hay tôn ti trật tự, không có hạn chế về nhập cư, nơi có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, chất lượng giáo dục phát triển với những trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, nơi sự sáng tạo được đề cao và thúc đẩy.

Không phải mô hình cụm kinh tế ở quốc gia nào cũng thành công. Các cụm kinh tế ở Dubai thiếu sự gắn bó giữa các cộng đồng trong cụm vốn là một yếu tố then chốt có thể giúp cụm kinh tế phát triển. Ngoài ra ở Dubai, quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nên sự sáng tạo, cách tân bị kìm hãm. Ở các quốc gia Ả Rập lại có những rào cản khác ngăn cản sự sáng tạo và cách tân phát triển như nguồn dầu mỏ dồi dào khiến chính phủ không tìm cách giải quyết những phàn nàn của các doanh nghiệp, các hạn chế quyền tự do chính trị, vị thế của người phụ nữ không được tôn trọng và chất lượng giáo dục, chính sách nhập cư không tốt.

Chương 14: Các mối đe dọa đối với sự thần kì của nền kinh tế
Israel đã tăng trưởng xuất sắc vượt qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn và những diễn biến chính trị bất ổn. Với cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay, Israel đặt ra mục tiêu trở thành một trong những quốc gia hàng đầu tính theo bình quân GDP đầu người và giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu đó, Israel cần phải tìm cách khắc phục những khó khăn hiện tại như: quá lệ thuộc vào đầu tư mạo hiểm toàn cầu, quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, an ninh khu vực (Iran), chảy máu chất xám, sự tham gia ít ỏi của dân số lao động vào nền kinh tế. Hiện nay, Israel có những cản trở (đa phần về mặt chính sách) nhưng với 1 nền tảng văn hoá và thể chế hiếm hoi độc nhất, tin rằng Israel có thể tăng trưởng kinh tế nhanh hơn nữa.

Những điều đúng rút ra từ cuốn sách:
1. Mục đích chính của cuốn sách:
Cung cấp cho người đọc một bảng phân tích hoàn chỉnh để giải thích hiện tượng Israel, một “Quốc gia khởi nghiệp” đã đạt được sự phát triển thần kì (số lượng các công ty Israel có tên trên sàn chứng khoáng NASDAQ nhiều hơn tất cả các công ty của châu Âu cộng lại; năm 2008, vốn đầu tư bình quân đầu người ở Israel nhiều 2,5 lần Mỹ, 30 lần so với châu Âu, 80 lần so với TQ và 350 lần so với Ấn Độ; chi phí R&D cho dân sự từ 2000 – 2005 đứng đầu thế giới; tốc độ tăng trưởng tăng liên tục trong nhiều năm kể từ 1995 và cao hơn mức trung bình của nhóm các nước phát triển) dù không có một tài nguyên nào đáng kể (95% diện tích là đất khô hạn và bán khô hạn), bản thân lại luôn phải đối mặt với những cuộc chiến tranh từ các nước thù địch (bị tấn công 7 lần chỉ trong 60 năm đầu tiên từ khi lập quốc và bị cấm vận toàn diện về ngoại giao lẫn kinh tế). Để từ đó, các quốc gia có thể dựa theo đó mà rút ra được những bài học cho riêng mình.

2. Những câu hỏi chính mà tác giả đặt ra trong cuốn sách này là:
– Những yếu tố gì tạo nên những thành tựu vượt trội của Israel khiến Israel được coi là “Quốc gia khởi nghiệp”? Tại sao người Israel lại có những yếu tố đó (phân tích hoàn cảnh lịch sử, xã hội, địa lý, chính sách kinh tế)?
– Tại sao các quốc gia Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, lại không có được tinh thần khởi nghiệp như Israel có? Họ thiếu cái gì để trở thành một quốc gia khởi nghiệp giống như Israel?
– Sự sáng tạo, cách tân mạnh mẽ của người Israel ở đâu ra? Biểu hiện như thế nào?
– Những thách thức đặt ra đối với Israel trong hoàn cảnh thế giới ngày nay để giữ vững tốc độ phát triển kinh tế thần kì như đã từng làm?

3. Khái niệm then chốt ta cần hiểu trong sách:
– tinh thần chutzpah: sự cả gan, táo bạo, gan góc, trắng trợn.
– tinh thần khởi nghiệp: tinh thần được sản sinh khi con người dám vượt qua các rào cản, đảo ngược mọi quy phạm xã hội và tung hoành trong nênc kinh tế tự do thương mại, tất cả nhằm thúc đẩy một ý tưởng cấp tiến.
-Văn hoá Apolo: văn hoá khám phá, thử nghiệm. Mọi bài luyện tập và thông tin đều được đánh giá hàng ngày và tranh luận trong môi trường tương tự phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển. Bắt nguồn từ câu chuyện nhóm chuyên gia Nasa đã thành công trong việc đưa tàu Apolo an toàn bay về trái đất khi tàu gặp sự cố với bình o2 1970. Mấu chốt là để có thể làm được vậy, những chuyên gia này đã tập luyện chung hàng ngày với những tình huống bất ngờ và khẩn cấp, dưới mọi hình thức và quy mô.
– Văn hoá Columbia: văn hoá tiêu chuẩn cứng nhắc. Trong đó thủ tục và hệ thống kiểm soát mọi thứ, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian và ngân sách. Bắt nguồn từ việc con tàu Columbia đã phát nổ ngoài không gian do miếng bọt cách điện bị vỡ 2003. Quan trọng là sự cố này đã được phát hiện và báo cáo lên trên từ hai tuần trước khi tàu nổ nhưng bị bỏ lơ do thông lệ từ những lần trước không có vấn đề gì khi bị vậy.
– Rosh gadol: thái độ dám làm dám chịu. Cách tư duy làm theo lệnh nhưng theo cách tốt nhất, vận dụng óc phán xét và đâu tư mọi nỗ lực cần thiết. Đề cao sự ứng biến hơn là kỉ luật, thách thức lãnh đạo hơn là tôn trọng cấp bậc.
– Sự lưu chuyển chất xám: người tài sẽ ra đi định cư ở nước ngoài rồi quay lại về cố hương.
– Mô hình “cụm kinh tế”: sự tập trung về địa lý trong một lĩnh vực (tập trung về doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, trường đại học). Tính chất bắt buộc cần có của cụm kinh tế là chất keo xã hội – quan hệ cộng đồng và làm ăn không tách rời – và vị thế của người trong cuộc.
– Mash up: tư duy đa nhiệm, kết hợp kiến thức nhiều ngành nghề.
– Yozma: Chương trình của chính phủ Israel nhằm mục đích kích thích vốn đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào Israel trong đó chính phủ Israel cùng chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư nhưng vẫn cung cấp cho các nhà đầu tư mọi phần thưởng. Ý tưởng: chính phủ sẽ đầu tư 100 tr tạo ra 10 quỹ đầu tư mạo hiểm mới, mỗi quỹ phải có 3 bên làm đại diện (nhà đầu tư mạo hiểm Israel, hang đầu tư ạo hiểm nước ngoài, một công ty đầu tư hoặc 1 ngân hàng Israel). Nếu phía đối tác Israel có thể gây quỹ được 16 tr USD thì chính phủ sẽ cho quỹ này thêm 8 triệu USD

4. Một số suy nghĩ của bản thân về cuốn sách: Có rất nhiều cái mình có thể học hỏi từ tinh thần của người Israel.

– Sự táo bạo vốn là “đặc sản” của người Israel. Thật khó để mà có được cái tinh thần này bởi nó được tôi luyện trong môi trường quân đội độc nhất vô nhị của Israel. Nhưng tính cách không dễ dàng khoan nhượng và bảo vệ chính kiến tới cùng của người Israel đáng phải học.

– Người Israel không bị tư tưởng tiểu nông nhỏ hẹp chi phối như đa số người Việt Nam bị. Họ nghĩ lớn và không những lo cho lợi ích của cá nhân mà còn lo cho lợi ích của công ty, thậm chí còn suy nghĩ cho lợi ích của đất nước và còn cho lợi ích của nhân loại (phát minh nào đó của họ sẽ có tác động đến toàn cầu như thế nào). Động lực của họ là xây dựng một đất nước lớn mạnh phục vụ cho người Do Thái. Người Israel không quá quan tâm đến những hơn thua, hiềm khích hay tị nạnh trong công ty mà toàn bộ tâm sức của họ tập trung trong công việc và tranh luận quyết liệt để ra được vấn đề. Một tính cách cực kì hào sảng mà mình cần phải học hỏi.

– Người Israel khuyến khích du lịch thiệt nhiều qua hình tượng “Quyển Sách”. Họ có một tinh thần phượt toàn cầu mạnh mẽ hơn bất kì quốc gia khác. Họ thậm chí xông pha vào những vùng đất hay thị trường không quốc gia nào hứng thú. Đi thật xa, ở thật lâu, nhìn thật kĩ. Với tinh thần như vậy chả trách người Do Thái lại thông minh và hiểu biết như vậy. Tầm nhìn của họ là tầm nhìn toàn cầu chứ không phải cục bộ. Chả trách bác Tony cứ dặn tụi trẻ bọn mình phải đi ra ngoài cái Việt Nam này, mở mắt to ra, chịu cực chịu khổ vào để mà học hỏi. Còn trẻ là phải đi. Ru rú ở cái nước Việt Nam nhỏ bé này để làm gì.

– Người Israel sau 18 tuổi sẽ gia nhập quân đội 2-3 năm, vào đại học và kết hôn, và vì thế trưởng thành hơn rất nhiều so với thanh niên nước ngoài cùng độ tuổi. Đến năm 25 tuổi, những người Israel đã có thể đạt được sự chín chắn, trưởng thành và những kĩ năng quý giá được rèn luyện trong quân đội. Sức sáng tạo cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ được tập trung hết trong công việc. Trong khi đó, nước mình 25 tuổi vẫn còn rất ngây thơ, trải nghiệm ít, nhiều hoài nghi về cuộc đời và không có hoài bão. :(.

– Cuộc sống quá dễ dàng chỉ có thể hại chết con người ta. Chính nghịch cảnh mới có thể tôi luyện được vàng. Mình phải học hỏi tinh thần đánh nhanh thắng nhanh của người Israel. Có ý tưởng gì thì xông vào làm ngay và luôn. Quá nhiều thời gian chỉ cho bạn thấy điều gì sẽ thất bại chứ không phải thứ sẽ tạo ra sự thay đổi. Mỗi khoảnh khắc đều có tầm quan trọng chiến lược. Khi doanh nhân Israel có ý tưởng, anh ta sẽ thực hiện nó ngay trong tuần.

– Người Israel có cách nhìn vô cùng khoan dung đối với sự thất bại mà theo tác giả Eric Weiner miêu tả, một quốc gia có lòng bao dung với sự thất bại là quốc gia “của những người được tái sinh, nhưng không phải với ý nghĩa tôn giáo”. Quan trọng là chúng ta đã học được điều gì từ sự thất bại đó. Ở những quốc gia châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, mình cảm thấy thật sự thương cảm cho những người đã phải tự tử hay bị người đời bu vào phê phán, chê bai khi doanh nghiệp của họ sụp đổ trên thị trường. Với cái nhìn bao dung như vậy, người Israel khuyến khích con người ta đi tìm cơ hội mới, tìm ra giải pháp mới chứ không phải đi bới móc lại những lỗi lầm trong quá khứ để rồi chìm sâu trong sự thất vọng.

– Nói về sự sáng tạo trong cốt tủy của người Israel, cái mình phục là chỉ trong một cuộc nói chuyện với vợ về 1 vấn đề mà vợ gặp phải, người chồng liền đi tìm cách giải quyết. Cuộc sống xung quanh ta có rất nhiều thứ để cải thiện. Cá nhân mình khi nhìn nhận một sự việc cần suy nghĩ và có ham muốn làm thế nào để tốt hơn, hay hơn, đẹp hơn. Tư duy đó sẽ kích thích sự sáng tạo, cải thiện chất lượng cuộc sống xung quanh mình hàng ngày.

– Câu chuyện về Dov Frohman thực sự làm mình xúc động muốn khóc. Hoài bão của Frohman là muốn Israel trở thành quốc gia dẫn đầu trong ngành thiết kế chip. Ông là người đã thuyết phục Intel mở nhà máy thiết kế tại Israel vào năm 1974 dù trước đó Intel chưa bao giờ xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nào ở nước ngoài và thời điểm đó, chưa có một công ty lớn nào đặt bản doanh ở Israel. Vậy mà vào năm 1991, cuộc chiến vùng Vịnh bùng nổ cùng thời gian Intel Israel được giao một nhiệm vụ trọng yếu (sản xuất bộ vi xử lí 386 cho IBM) mà nếu Intel Israel không làm được thì Intel Israel sẽ bị trả giá nghiêm trọng trong dài hạn (mất uy tín với tập đoàn).

Khi Israel chuẩn bị cho cuộc chiến, chính quyền thông báo mọi doanh nghiệp phải đóng cửa để chuẩn bị cho cuộc chiến. Điều này khiến Dov vô cùng lo lắng, không những lo cho Intel Israel và có một nỗi lo còn lớn hơn rất nhiều, đó là sự tồn vong của nền kinh tế công nghệ cao vốn vẫn còn rất non yếu của Israel. Nếu Intel không thể hoạt động trong một tình huống khẩn cấp thì mọi niềm tin của các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư hay thị trường vào sự ổn định của Israel sẽ lập tức sụp đồ.

Một suy nghĩ lớn, suy nghĩ cho cái chung chứ không phải chỉ cho mỗi cá nhân hay công ty của mình. Và điều làm mình khâm phục hơn nữa, điều mà cũng vượt ra ngoài sự mong đợi của Dov, sau cuộc dội bom của Saddam, 75% những công nhân người Israel đã quay trở lại làm việc. Những cuộc tấn công càng tàn khốc bao nhiêu thì sản lượng càng lớn bấy nhiêu. Intel Israel đã tạo dựng một niềm tin vững chắc chứng minh các nhà máy, doanh nghiệp, công ty Israel vẫn có thể hoạt động ngay cả trong những cuộc chiến khốc liệt. Chính là tinh thần quật cương, là bản lĩnh của người Israel như đã thấy khiến Israel trở thành nơi thu hút đầu tư lớn nhất thế giới trong nhiều năm. Israel được người ta tin tưởng không những bởi vì sức sáng tạo vô bờ bến của người Israel mà còn vì chữ tín với những cam kết Israel đưa ra. Những cam kết đó chắc chắn sẽ được thực hiện dưới mọi hoàn cảnh (dù chiến tranh xảy ra, bom dội trên đầu, người Israel vẫn hoàn thành công việc).

The post Tóm tắt & Review sách Quốc Gia Khởi Nghiệp appeared first on Tài liệu học tập miễn phí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo